CÁC DỰ ÁN ĐANG MỞ BÁN

Biệt thự, liền kề cắt lỗ vài tỷ đồng vẫn khó bán, nhà đầu tư mắc kẹt

20/07/2023 | 09:27:55
Nhiều biệt thự, nhà liền kề có mức giá giảm sâu tới 30%, tương đương mức giảm từ vài tỷ đến gần chục tỷ đồng so với mức đỉnh thời gian qua nhưng cũng không dành cho số đông nhà đầu tư hay những người có nhu cầu ở thực.

Áp lực trả nợ gốc và lãi ngân hàng quá lớn khiến thời gian qua nhiều nhà đầu tư vào phân khúc nhà liền kề, biệt thự trị giá cả chục tỷ đồng/căn đành cay đắng rao bán cắt lỗ sâu khoản đầu tư của mình. Chị Nga (Hà Nội) trong tâm trạng thấp thỏm bởi căn biệt thự liền kề đã xây thô rao bán mãi chẳng ai mua.

Nhà đầu tư này cho biết năm 2021, chị quyết định đầu tư kiểu lướt sóng một căn biệt thự trị giá 24 tỉ đồng ở khu đô thị lớn tại Hoài Đức – Hà Nội. Chị đã đóng trước 30% tiền nhà là 7,2 tỉ đồng và 70% tiền còn lại vay ngân hàng với lãi suất 0% trong 2 năm. Ban đầu chị tính có thể bán lại ăn chênh trước thời hạn phải trả lãi ngân hàng, nhưng nào ngờ thị trường bất động sản rơi vào trạng thái đóng băng, nên chị không “thoát hàng” nhanh như kì vọng.

Chị Nga cho biết nếu không bán được, đến tháng 5 năm 2024 là hết thời gian hỗ trợ 0% lãi suất từ ngân hàng, chị sẽ phải thanh toán nốt gần 17 tỉ đồng cho ngân hàng hoặc phải trả tiền lãi vay ngân hàng lên tới cả trăm triệu đồng mỗi tháng cho đến khi hết nợ.

Khóc dở mếu dở với khoản nợ ngân hàng, chị Nga cho biết: “Tôi không có đủ tiền đóng nốt 70% còn lại, nếu bán chẳng ai mua, tôi đang tính chuyện để mặc kệ cho ngân hàng chuyển nợ xấu rồi siết nợ tài sản là căn nhà”.

Để có thể cắt lỗ được khoản đầu tư của mình, chị Nga thậm chí sẵn sàng tặng không số tiền 30% đã nộp cho ai mua lại, coi như tiền cắt lỗ để sang tay cho chủ mới đóng nốt 70% tiền nhà.

Những nhà đầu tư lướt sóng rồi mắc kẹt như chị Nga không phải hiếm gặp trong bối cảnh thị trường BĐS rơi vào trầm lắng trong suốt 1 năm qua. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm tại một số khu đô thị, biệt thự, liền kề tại Hà Nội xuất hiện la liệt biển rao bán nhà gấp, cắt lỗ…với mức giảm từ 20 thậm chí đến 40%.

 

Biệt thự, liền kề cắt lỗ vài tỷ đồng vẫn khó bán, nhà đầu tư mắc kẹt - 1
 

 

Nhiều nhà đầu tư đang buộc phải rao bán cắt lỗ biệt thự, liền kề do áp lực tài chính

Điểm chung của những căn hộ, biệt thự trị giá cả chục tỷ đồng cắt lỗ này là nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Chủ nhà chỉ đóng 20-30% tiền nhà đợt 1, còn lại đi vay ngân hàng để lướt sóng, nhưng nào ngờ bị “kẹp hàng”.

Anh Tân, một môi giới chuyên nhà thấp tầng tại khu Tây cho biết đầu năm ngoái, từng bán được hai căn biệt thự với giá 23,5 tỷ đồng tại dự án Hoài Đức, đầu năm nay, chủ nhà mới chịu áp lực tài chính phải giảm giá hơn 30%, còn 16 tỷ đồng mới bán được.

Từng có gần chục năm tham gia đầu tư vào BĐS, anh Trinh cho biết ở một số dự án mở bán 1-2 năm, thời gian qua nhiều nhà đầu tư rao giảm giá với số tiền cắt lỗ nhiều căn lên tới cả chục tỷ. Bởi ngoài khoản tiền giảm vài tỷ so với hợp đồng, một số người còn mất luôn khoản tiền chênh từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng đã trả ngay lúc mua. Việc họ chấp nhận giảm giá so với hợp đồng, mất tiền chênh chủ yếu là để thoát khỏi gánh nặng nợ với ngân hàng. Tuy nhiên, ở các dự án được tung ra thị trường hàng chục năm nay, trải qua nhiều chu kỳ tăng giá thì việc nhà đầu tư rao bán đôi khi chỉ là giảm lãi so với trước đây mà thôi.

Báo cáo về thị trường BĐS 6 tháng đầu năm của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố  cho thấy các sản phẩm BĐS có giá trị cao hơn 20 tỷ đồng ghi nhận mức cắt giảm tới 30% so với đỉnh. Tuy nhiên dù giá giảm sâu nhưng lượng giao dịch phân khúc này khá thấp do không nhiều nhà đầu tư sẵn lượng tiền mặt lớn như vậy.

Trái lại, các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực, mức giá dưới 3 tỷ đồng, đã ghi nhận giao dịch trở lại với mức giá tăng nhẹ so với quý đầu năm.

Theo VARS, thời gian qua thị trường BĐS luôn trong trạng thái "thiếu vắng" khách hàng là bởi các sản phầm nghèo nàn, phần lớn đến từ các dự án cũ, không đủ sức hấp dẫn với khách hàng. Lãi suất tiền gửi cao, hấp dẫn, thu hút lượng tiền nhàn rỗi của khách vào kênh ngân hàng. Niềm tin vào thị trường BĐS của khách hàng ngày càng sụt giảm. Bên cạnh đó là khó khăn trong việc vay vốn mua BĐS và một lượng lớn khách hàng khó khăn về tài chính do tình hình kinh tế chung đã buộc phải bán cắt lỗ khoản đầu tư của mình.

Trước việc nhiều phân khúc BĐS đã giảm giá đáng kể thời gian qua, báo cáo của VARS cho rằng đây là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho các khách hàng có sẵn dòng tiền cần mua BĐS có mục đích ở thật và đầu tư trong dài hạn.

VARS cho rằng sau hàng loạt động thái giảm lãi suất tiết kiệm thời gian qua, lực cầu mua nhà đã có tín hiệu khả quan hơn nhưng nhu cầu giảm do mặt bằng lãi suất vẫn cao, thu nhập người dân bị ảnh hưởng. Trong khi đó, nguồn cung trên thị trường nghèo nàn, không đủ sức hấp dẫn.

Lực cầu đầu tư trong dài hạn vẫn chỉ ghi nhận tăng tại một số vùng đang đẩy mạnh đầu tư công, đã khởi công các dự án hạ tầng trọng điểm của khu vực.

"Có nhiều cơ sở để kỳ vọng sự phục hồi dần của thị trường, đặc biệt là từ cuối quý III cho đến hết năm nay. Tuy nhiên, cần xác định rõ tinh thần lạc quan phải đi kèm với tâm thế cẩn trọng", VARS dự báo.

Tính lịch trả nợ vay trả góp Ngân hàng

Số tiền vay (VNĐ) 
Số tháng vay 
Lãi suất 
%/năm
Họ tên 
Điện thoại 
Email  
Mã bảo mật

Các tin khác

Bất động sản Trọng Nghĩa - 2016

Địa chỉ: 167 Trung Kính - Yên Hoà - Cầu Giấy - Hà Nội.

Điện thoại: 0966609916 - 0938361668

Email: bdstrongnghia@gmail.com